Sau khi các group và trào lưu như “Yêu bếp”, “Nghiện nhà” hoặc “Ghét bếp, không nghiện nhà”, “Ở nhà vui thấy bà”… nở rộ trong mùa Covid-19 thì bây giờ tình hình có vẻ đã chuyển biến khác. Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, dân tình bắt đầu nghĩ đến chuyện “xê dịch” và tất nhiên từ đây cũng có nhiều ‘trend’ mới ra đời thu hút nhiều người cùng sở thích tham gia.
Cụ thể, bây giờ chuyện nhà, chuyện bếp đã bị dân tình tạm gác sang một bên và các group du lịch cũng được đà mọc lên như nấm sau mưa.
UAZ 452 và Mobihome Việt Nam là một trong những cái tên giành được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng trong thời gian gần đây. Đây là nơi các thành viên mua bán, trao đổi xe UAZ (hãng xe ô tô của Liên Xô/Nga với nhiều sản phẩm nổi tiếng trong dòng xe tải nhỏ và xe địa hình). Những người tham gia cũng tích cực gợi ý về hành trình, điểm đến và cả cách cải tạo xe thành những ngôi nhà di động đầy tiện nghi và hữu ích nữa.
Trong khi đó, Mobihome Việt Nam dù mới thành lập cách đây không lâu nhưng lại được chú ý bởi đây là nơi mọi người chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để tự tạo một ngôi nhà di động cho những chuyến đi chơi xa.
Vậy nhà di động là gì?
Nhà di động hay “mobihome” là một thuật ngữ đã xuất hiện từ rất lâu ở các nước phương Tây. Nhiều nơi coi loại hình này là một phương tiện giải trí, di chuyển khi đi du lịch, số khác thì xem đây là ngôi nhà khi chưa có đủ tiền mua sắm nhà thật thụ.
Thông thường, những người đam mê loại hình này thường có xu hướng thiết kế ngôi nhà di động của mình theo phong cách hiện đại với giường ngủ, ghế sofa, tủ lạnh, tivi, nhà vệ sinh… Năng lượng mặt trời là một cách yêu thích để cung cấp điện cho những ngôi nhà di động.
Trái với xu hướng thế giới, người Việt thích định cư cố định, lâu dài, do đó xu hướng mobihome chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Nhiều người bắt đầu mua và cải tạo xe thành những ngôi nhà tiện nghi nhưng chủ yếu dùng cho mục đích du lịch.
Khi tham gia vào các hội group này, bạn sẽ bị choáng ngợp với những ngôi nhà di động được cải tạo đẹp không thể đẹp hơn.
Nhiều người thậm chí còn biến xu hướng này trở thành 1 cơ hội kinh doanh. Họ thường mua những chiếc xe cũ và cải tạo nội thất lại thành những “căn nhà xinh xắn” và bán lại cho những người cần.
Tuy vậy, một số người lo lắng việc cải tạo xe có thể thay đổi thiết kế ban đầu của chúng và điều này không hợp pháp. Có thật như vậy không?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng – Giám đốc hãng Luật Gia đình – Đoàn Luật sư TP. HCM đã trích dẫn quy định khoản 2, Điều 55, tại Luật giao thông đường bộ: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Theo điểm c, Khoản 2, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt quy định về mức xử phạt hành vi tự ý thay đổi màu sơn xe máy có quy định: “Không làm thủ tục khai báo với cơ quan đăng ký xe theo quy định trước khi cải tạo xe (đối với loại xe có quy định phải làm thủ tục khai báo)”.
Nghĩa là chủ phương tiện không được tự ý cải tạo xe khác với thiết kế ban đầu, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt:
Việc thay đổi màu sắc, thiết kế xe là hành vi vi phạm bị xử lý theo khoản 2, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt quy định về mức xử phạt hành vi tự ý thay đổi màu sơn xe máy như sau:
“Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- a) Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn;
- b) Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe;
- c) Không làm thủ tục khai báo với cơ quan đăng ký xe theo quy định trước khi cải tạo xe (đối với loại xe có quy định phải làm thủ tục khai báo)”.
Nghĩa là việc thay đổi màu sơn, thiết kế của xe cần phải có sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.